Tầm soát bệnh xơ vữa động mạch vành
Thongtamlac.vn: Bệnh xơ vữa mạch vành là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim nguy hiểm. Biến chứng của bệnh nếu nhẹ thì làm giảm chất lượng cuộc sống, nặng thì có thể tử vong.
Chính vì vậy, việc dự phòng bệnh ngay từ sớm là điều hết sức cần thiết để chống lại căn bệnh nguy hiểm thầm lặng này.
Bệnh xơ vữa động mạch vành thầm lặng nhưng nguy hiểm
Trái tim của chúng ta không tự nhiên hoạt động mà nó được nuôi dưỡng bởi một hệ thống các mạch máu gọi là mạch vành tim.
Bệnh xơ vữa động mạch vành là tình trạng lớp nội mạch bên trong của động mạch bị thương tổn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Những thương tổn này hình thành nên các mảng xơ vữa, theo thời gian những mảng xơ vữa phát triển lên về kích thước sẽ làm hẹp lòng mạch vành, khiến cho máu huyết không lưu thông đầy đủ và tim bị thiếu máu để hoạt động.
Hệ quả của quá trình xơ vữa mạch làm lòng mạch bị hẹp sẽ khiến cho người bệnh bị đau thắt ngực, khó thở. Trong trường hợp lòng mạch vì một lý do nào đó mà bị tắc hoàn toàn thì sẽ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
Biểu hiện hay gặp nhất của bệnh xơ vữa động mạch vành là những cơn đau thắt ngực: cảm giác tim bị nén, bóp nghẹt, khó thở mỗi khi xúc động mạnh hay gắng sức; cơn đau chuyển từ vùng ngực lan ta sau lưng, vai, tay trái.
Tùy từng tình trạng bệnh mà tần suất hay thời gian đau của mỗi người một khác. Nếu bệnh nhẹ thì những cơn đau thường ít gặp và trôi qua nhanh khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những cơn đau sẽ diễn ra mỗi khi người bệnh gắng sức là biểu hiện cụ thể nhất của bệnh.
Các phương pháp điều trị cũng đa dạng tùy theo tình trạng bệnh lý: nhẹ thì điều trị nội khoa – bằng thuốc, nặng hơn là những can thiệp ngoại khoa như nong mạch vành, đặt stent hay bắc cầu nối chủ vành.
Tầm soát làm giảm 90% nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành
Bệnh xơ vữa động mạch vành diễn tiến thầm lặng trong nhiều năm, vì vậy bệnh rất khó nhận ra. Hầu hết, các bệnh nhân đều không để ý đến bệnh cho đến khi lòng mạch bị hẹp đến mức độ biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài bằng các cơn đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim. Lúc này tình trạng hẹp động mạch vành có thể đã lên đến 60% – 70%.
Chính vì vậy, tầm soát bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ là giải pháp quan trọng và tối ưu nhất nếu bạn không muốn bị bệnh trong tương lai.
Tầm soát bệnh không nhất thiết là phải thường xuyên tiến hành các buổi khám sức khỏe tim mạch chuyên sâu với chi phí cao. Các yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể được tầm soát thông qua việc thay đổi lối sống, dùng thuốc điều trị cần thiết, kiểm tra các thông số sức khỏe định kỳ.
Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh xơ vữa động mạch vành gồm có:
- Những yếu tố bất biến – 10%: người tuổi cao trên 65 tuổi, giới tính nam (nam giới bị nhiều hơn nữ), di truyền (gia đình có người mắc bệnh tim mạch)
- Những yếu tố có thể thay đổi – 90%: hút thuốc (làm tăng nguy cơ lên 2 – 4 lần so với người không hút thuốc), mắc bệnh tăng huyết áp, mắc bệnh rối loạn lipid máu, ít vận động thể lực, thừa cân hoặc béo phì, mắc bệnh tiểu đường.
- Những yếu tố làm tăng nguy cơ: stress, làm dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn, chế độ ăn nghèo nàn về dinh dưỡng.
Những yếu tố nguy cơ bất biến chỉ chiếm khoảng 10% nguy cơ mắc bệnh nhưng các yếu tố còn lại chiếm đến 90% nguy cơ thì hoàn toàn có thể kiểm soát được. Mục tiêu của tầm soát bệnh xơ vữa động mạch vành chính là nhắm đến những yếu tố có thể thay đổi được. Hay nói cách khác, khi đã tầm soát bệnh thì đồng nghĩa bạn cũng đã giảm đến 90% nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành và cả các bệnh tim mạch khác.
Khi nào nên bắt đầu tầm soát?
Thông thường, bệnh xơ vữa động mạch vành chủ yếu xảy ra ở những người trên 40 tuổi nhưng gần đây các thống kê cho thấy độ tuổi bị bệnh đang ngày càng trẻ hóa.
Chính vi vậy, việc tầm soát bệnh nên được thực hiện ngay từ sớm nhất có thể. Như ở trên đã viết, bệnh xơ vữa động mạch vành diễn tiến thầm lặng trong nhiều năm chứ không phải chỉ vài ngày hay vài tháng. Những mảng xơ vữa mầm mống khi xuất hiện đều không thể hiện bất cứ biểu hiện nào. Nguyên nhân tạo ra những “mầm mống” từ rất nhiều nguồn như hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều chất béo…
Theo Hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association – AHA), mọi xét nghiệm tầm soát bệnh xơ vữa động mạch vành nên bắt đầu từ lúc 20 tuổi. Tùy theo nguy cơ mắc bệnh cao hay thấp mà tần suất kiểm tra cũng như số lượng các xét nghiệm cần tiến hành sẽ ít hoặc nhiều. Điều này sẽ do bác sĩ điều trị đánh giá và tư vấn sau khi đã có những kết quả xét nghiệm ban đầu.
Những nội dung liên quan: