Hội chứng suy tim: Những kiến thức cơ bản, dấu hiệu và cách phòng ngừa
Hội chứng suy tim gây ra tình trạng mệt mỏi, khó thở gây suy giảm khả năng làm việc và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
1.Hội chứng suy tim là gì
Hội chứng suy tim là tình trạng tim không thể hút được đủ máu về tim hoặc không đưa đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, cũng có thể là xảy ra cùng lúc cả hai tình trạng trên. Tất cả những điều này đều được gọi chung là hội chứng suy tim.
Hay có thể nói một cách dễ hiểu hơn thì suy tim là việc trái tim hoạt động kém hơn, yếu hơn so với lúc bình thường và không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể.
2. Phân loại hội chứng suy tim
Do suy tim là một hội chứng cho nên có rất nhiều hướng phân loại khác nhau.
- Dựa vào diễn biến lâm sàng, người ta chia ra: Suy tim cấp tính và Suy tim mạn tính
- Dựa vào cung lượng tim, người ta chia ra: Suy tim tăng cung lượng và Suy tim giảm cung lượng
- Dựa vào giải phẫu, người ta chia ra: Suy tim phải, Suy tim trái và Suy tim toàn bộ
- Dựa vào chức năng, người ta chia ra: Suy chức năng tâm thu, Suy chức năng tâm trương hoặc Suy tim toàn bộ chức năng.
3. Các mức độ suy tim
Sau khi đã phân loại của hội chứng suy tim xong, các bác sĩ sẽ tiến hành phân độ suy tim để có biện pháp điều trị thích hợp nhất.
Đối với hội chứng suy tim cấp tính cách bác sĩ sẽ sử dụng bảng phân loại của Killip:
- Độ 1: không có triệu chứng ứ huyết phổi và tĩnh mạch.
- Độ 2: suy tim, rên nổ ở 2 nền phổi, nhịp ngựa phi, gan to.
- Độ 3: suy tim nặng có hen tim, phù phổi cấp.
- Độ 4: có sốc tim (HATT < 80 mmHg, nước tiểu < 20 ml/h).
Đối với suy tim mạn tính, người ta dựa vào bảng phân độ suy tim của NYHA (NewYork heart assosiation).
- Độ 1: bệnh nhân không có triệu chứng khi hoạt động gắng sức.
- Độ 2: giảm khả năng gắng sức, khi gắng sức xuất hiện mệt mỏi, khó thở hoặc đau ngực.
- Độ 3: giảm khả năng hoạt động nhẹ.
- Độ 4: mất khả năng lao động, khi nghỉ ngơi cũng xuất hiện những triệu chứng đe dọa cuộc sống (khó thở nặng, hen tim, phù phổi cấp, ngất lịm…).
Ở người lớn hoặc trẻ em khi bị suy tim phải, người ta chia độ như sau:
- Độ 1: có nguyên nhân gây suy tim phải khi gắng sức nhẹ, nhịp tim nhanh và khó thở.
- Độ 2: gan to dưới bờ sườn 2 – 3 cm trên đường giữa đòn phải.
- Độ 3: gan to dưới bờ sườn 3 – 5 cm trên đường giữa đòn phải, tĩnh mạch cảnh nổi căng phồng.
- Độ 4: gan to kèm theo phù ở mặt, chân; tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, cổ trướng.
Một điểm chung của tất cả các thanh đo là suy tim ở mức độ 1, 2 thì bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt gần như bình thường, phương thức điều trị đơn giản có thể dùng thuốc hoặc không, quan trọng là thay đổi lối sống và sinh hoạt cho phù hợp.
Tuy nhiên khi đã suy tim ở độ 3, 4 thì tình trạng đã ở mức nguy hiểm, bệnh nhân bị hạn chế rất nhiều trong các sinh hoạt hằng ngày, cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra. Đồng thời cần phải có các biện pháp điều trị chuyên biệt.
4. Những dấu hiệu của bệnh suy tim
Hội chứng suy tim có rất nhiều các dấu hiệu khác nhau, tuy nhiên có những dấu hiệu đặc trưng sau mà bạn cần phải quan tâm và đi kiểm tra sức khỏe ngay khi nhận thấy những dấu hiệu này.
- Khó thở: Khó thở là triệu chứng hay gặp nhất của hội chứng suy tim, tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh gắng sức. Suy tim càng ở mức độ cao thì mức độ khó thở càng nhiều. Các hoạt động thể chất bị hạn chế rất nhiều. Người bệnh sẽ có cảm giác hụt hơi, hồi hộp, thở gấp.
- Mệt mỏi: hội chứng suy tim sẽ khiến bạn mau chóng cảm thấy mệt mỏi, mất sức. Cho dù đó chỉ là những hoạt động bình thường bạn hay thực hiện. Đó là dấu hiệu cảnh báo tim của bạn đang hoạt động kém hơn so với bình thường.
- Phù: Khi bị hội chứng suy tim, tình trạng ứ chệ nước sẽ xảy ra, do vậy gây ứ dịch tại những mô mềm và biểu hiện là tình trạng phù. Ban đầu tình trạng phù sẽ xuất hiện ở những mắt, hai bàn chân. Sau đó tình trạng phù nặng hơn thì người bệnh sẽ thấy bụng trướng, nặng nề, mặt như béo lên.
5. Cách thức phòng ngừa và điều trị hội chứng suy tim
- Thay đổi chế độ ăn hàng ngày: những người bị hội chứng suy tim cần phải ăn giảm muối vì nhiều muối sẽ làm tăng nặng thêm tình trạng phù. Không ăn nhiều các thực phẩm chế biến sẵn. Hạn chế uống nước nhất là khi bệnh nặng. Kiểm soát tốt cân nặng, hạn chế uống rượu và không hút thuốc lá.
- Luyện tập thể chất: khi mắc hội chứng suy tim, người bệnh cần phải có các hoạt động thể chất phù hợp, tránh làm việc nặng hoặc vận động quá mức gây ra tình trạng quá tải cho tim. Nhưng cũng không nên chỉ ngồi im một chỗ vì suy tim sẽ làm ứ trệ máu và còn làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch.
- Cần tuân thủ chế độ tập luyện theo chỉ định của bác sĩ, nên bắt đầu bằng việc đi bộ và tăng dần tốc độ. Dừng ngay các hoạt động thể chất đòi hỏi tim gắng sức như chạy, bơi, mang vác các độ vật quá nặng hoặc khi cảm thấy khó thở, tức ngực.
- Theo dõi cân nặng: tăng cân là dấu hiệu sớm cho biết tình trạng ứ nước trong cơ thể, suy tim nặng lên.
- Uống thuốc đều theo đơn: Không tự ý ngừng thuốc hoặc thay đổi liều lượng nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Đi khám ngay: Nếu có các biểu hiện bất thường hoặc khi các dấu hiệu suy tim nặng lên. Đối với hội chứng suy tim, điều trị càng sớm càng dễ dàng và càng hiệu quả.
Các nội dung liên quan:
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!