CẢNH BÁO: Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ CHIẾM 1/3 NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỘT QUỴ
7 Triệu trường hợp tử vong hàng năm do mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí và chiếm đến 1/3 nguyên nhân gây ra các ca đột quỵ.
Ô nhiễm không khí đang ngày càng trở thành một trong những vấn đề gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến chất lượng sống và sức khỏe của con người.
Hơn 7 triệu người chết do ô nhiễm không khí
Theo WHO, khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm vì các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Mức độ ô nhiễm nặng nề nhất là tại các thành phố lớn, nơi nào có sự đô thị hóa càng cao thì nơi đó càng bị ô nhiễm nặng nề.
Tại Việt Nam, người dân tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. HCM phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, với các chỉ số ô nhiễm luôn vượt ngưỡng cho phép của WHO. Trong đó, Hà Nội hiện đang trở thành đô thị có mức độ ô nhiễm cao nhất cả nước và đứng top đầu trong khu vực.
Ô nhiễm không khí gây ra 1/3 các ca đột quỵ
Trước đây, những nguyên nhân gây ra đột quỵ phần nhiều là các yếu tố như béo phì, hút thuốc, tăng huyết áp. Nhưng hiện nay, các chuyên gia y tế đã đưa ô nhiễm không khí vào trong danh sách các nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Theo một số liệu từ năm 2013 thì ô nhiễm không khí đã “tiếp tay” cho gần 1/3 các ca đột quỵ trên toàn thế giới và con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng từng ngày.
Số liệu thống kê từ các cuộc nghiên cứu khác cho thấy, có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ thì có 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị các di chứng nặng nề (bại liệt, lú lẫn…). Và trong tất cả những trường hợp đột quỵ đều có “bóng dáng” của tình trạng ô nhiễm không khí dù rằng mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy theo khu vực.
Không khí ô nhiễm và những tác hại nghiêm trọng
Để giải thích cho tình trạng trên chúng ta có thể dựa vào một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc. Trong đó, nghiên cứu đã kết luận rằng việc tiếp xúc thường xuyên không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa và là tác nhân gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì.
Đồng tình với kết quả này, một nghiên cứu khác được thực hiện trước đó tại Mỹ cũng cho thấy mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề thì chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Điều này, có thể giải thích phần nào tình trạng béo phì, thừa cân đang gia tăng nhanh chóng tại thành phố lớn bên cạnh các nguyên nhân khác.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức đã chứng minh, bệnh tăng huyết áp thường tăng cao hơn tại những khu đô thị, những khu vực bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất. Kết luận cho thấy việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí kéo dài và liên tục làm gia tăng huyết áp một cách rõ rệt.
Trong khi đó, béo phì cùng với tăng huyết áp lại chính là hai nguyên nhân hàng đầu nếu không muốn nói là lớn nhất gây ra các bệnh lý về tim mạch như đột quỵ, xơ vữa động mạch … Như vậy, nói rằng ô nhiễm không khí chiếm đến 1/3 nguyên nhân gây ra đột quỵ cũng không hề là nói quá.
Nếu như chưa đồng ý với những nghiên cứu trên thì các bạn có thể xem xét đến một lý giải khác từ giáo sư Daniel Thomas, chuyên gia tim mạch bệnh viện Pitié Salpêtrière, Paris.
Theo bác sĩ, ô nhiễm không khí gây ra bệnh tim mạch đến từ 3 cơ chế sau:
Đầu tiên, không khí bị ô nhiễm tác động lên các khả năng giãn nở và co thắt của các mạnh máu. Dưới tác động của những chất ô nhiễm có trong không khí mà chúng ta hít thở, các mạch máu đã bị giảm kích cỡ, gây cản trở lưu thông huyết mạch.
Thứ hai, chúng tác động lên yếu tố gây đông máu. Ô nhiễm không khí có thể dẫn đến khả năng máu bị đông lại hình thành những cục máu đông ở động mạch, nguyên nhân chính của chứng nhồi máu cơ tim.
Điểm thứ ba, không khí ô nhiễm gây ra tình trạng viêm nhiễm với mọi bộ phận trong cơ thể. Tình trạng viêm nhiễm này lúc đầu ảnh hưởng đến mạch máu, gây bất ổn ở những mảng xơ vữa. Trong khi những mảng xơ vữa lại được hình thành từ tình trạng béo phì, huyết áp. Như vậy ô nhiễm không khí gây ra tác động kép lên toàn bộ hệ tim mạch của chúng ta. Và chỉ cần đến thời điểm, tất cả các yếu tố tích tụ lại dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và hàng loạt biến chứng tim mạch khác.
Tóm lại, dù dưới góc độ nào đi chăng nữa thì rõ ràng ô nhiễm không khí đã và đang thực sự là tác nhân gây ra các bệnh tim mạch. Vì vậy, hãy cùng nhau giữ một môi trường sống trong lành và sử dụng mọi biện pháp nhằm hạn chế việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm để cuộc sống của chúng ta trở nên an toàn hơn.
Các nội dung liên quan: