Khó thở, đau thắt ngực – có thể bạn đã mắc bệnh tim mạch nguy hiểm
Nhiều người thường chủ quan, bỏ qua khi thấy cơn đau thắt ngực, khó thở. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đó là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm có thể lấy đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào.
Khó thở, đau thắt ngực có thể bạn đã mắc bệnh tim mạch nguy hiểm
Khó thở, đau thắt ngực- đừng chủ quan với bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là loại bệnh tim mạch phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch trên thế giới. Đặc biệt, triệu chứng phổ biến nhất của bệnh chính là những cơn đau thắt ngực, khó thở. Một số trường hợp đi kèm với cơn tăng huyết áp, nhịp tim nhanh. Ở phụ nữ, sẽ ít gặp những cơn đau ngực nhưng người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, ợ nóng, đau lưng, đau hàm.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người mắc bệnh mạch vành không có triệu chứng, hay còn gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Theo đó, quá trình bệnh tiến triển âm thầm và không gây ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Chính điều này lại đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh không nhận biết được tình trạng sức khoẻ của mình để điều trị kịp thời. Chỉ đến khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra thì đa quá muộn để phòng tránh.
Một khi mắc bệnh mạch vành thì nguy cơ biến chứng lớn nhất chính là cơn nhồi máu cơ tim cấp, có thể lấy đi tính mạng của người bệnh bất cứ lúc nào. Do đó, nếu không kiểm soát tốt bệnh mạch vành, nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim sẽ khó tránh khỏi.
Điều này không những gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh mà còn gây những tốn kém về kinh tế trong quá trình điều trị. Chính vì vậy, người dân nên quan tâm đến sức khoẻ của bản thân mình, chú ý đến những triệu chứng bất thường để đi khám và điều trị sớm.
Xem thêm: Những điều cần biết khi mắc bệnh mạch vành
Điều trị bệnh mạch vành như thế nào?
Tuỳ vào mức độ của bệnh, bạn có thể sẽ được chỉ định điều trị theo các cách sau:
-Thuốc điều trị bệnh mạch vành: Có thể bạn sẽ phải sử dụng thuốc điều trị trong một thời gian dài để làm giảm cơn đau thắt ngực và phòng nguy cơ xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim. Các nhóm thuốc chính dùng cho người mắc bệnh mạch vành như: thuốc làm giảm đau thắt ngực, hạ huyết áp như nhóm giãn mạch, chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi, thuốc chống cục máu đông; thuốc hạ mỡ máu…
Đặt stent hoặc nong mạch vành: Bằng phương pháp can thiệp nong mạch hoặc stent, vị trí lòng động mạch bị tắc hẹp sẽ được can thiệp nhằm mở rộng để khơi thông dòng máu đến nuôi tim. Phương pháp này được áp dụng khi mạch vành hẹp từ 80% trở lên.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Áp dụng khi không thể đáp ứng với thuốc điều trị, không thể can thiệp đặt stent hoặc tắc hẹp ở nhiều nhánh động mạch. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng một động mạch đùi hoặc ở ngực để bắc thay thế động mạch đã bị tắc nghẽn hoàn toàn, cung cấp máu cho vùng cơ tim đang bị tổn thương.
Phòng ngừa bệnh mạch vành như thế nào?
Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, các bác sĩ khuyến cáo cần phải thay đổi thói quen hay lối sống như: bỏ thuốc lá; tập thể dục thường xuyên và thích hợp: tốt nhất là 1 giờ/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần; tránh tress căng thẳng; ăn giảm muối; không ăn mỡ và các phủ tạng động vật; hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, tránh tăng cân.
Bên cạnh đó, cần điều trị tốt các bệnh lý liên quan trực tiếp đến bệnh động mạch vành như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì.
Tuân thủ tốt các hướng dẫn điều trị, đặc biệt với các bệnh nhân cần dự phòng tái phát bệnh.
Các bệnh lý tim mạch thường gây nguy hiểm cho tính mạng người mắc. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn cần đi khám để có thể điều trị sớm và hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.