,

[ĐAU THẮT NGỰC] Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

dau-that-nguc-1

Đau thắt ngực chính là dấu hiệu của hệ động mạch vành nuôi tim bị tạm nghẹt do xơ vữa hẹp lại. Từ đó làm máu không lưu thông để nuôi tim, làm cơ tim thiếu máu, thiếu oxy. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách đề phòng cơn đau thắt ngực.

dau-that-nguc-1

Đau thắt ngực: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Đau thắt ngực là gì?

Đau thắt ngực là cơn đau ngực xảy ra khi không có đủ máu đến nuôi tim. Khi cơn đau thắt ngực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy như đang có một áp lực lớn đè ép vùng ngực, đặc biệt là ở ngực trái. Cơn đau có thể lan ra ở cổ, vai, cánh tay, hàm hoặc sau lưng. Một số người còn cảm thấy khó tiêu, đầy bụng.

Thông thường, đàn ông có dấu hiệu đau thắt ngực rõ ràng hơn phụ nữ. Thậm chí, nhiều phụ nữ bị đau thắt ngực chỉ cảm thấy có sự khó chịu ở ngực, cổ, hàm hay lưng. Chính điều này khiến họ bỏ qua và không nghĩ rằng mình đang bị đau thắt ngực.

Nguyên nhân nào gây đau thắt ngực?

Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo bệnh mạch vành. Khi chất béo bị tích tụ và tạo thành mảng xơ vữa trong lòng mạch. Chúng sẽ làm giảm lượng máu đến cơ tim. Điều này buộc tim phải làm việc trong môi trường thiếu oxy và từ đó gây đau thắt ngực. Chính sự xuất hiện của mảng xơ vữa đã làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Theo đó, nếu không kịp thời khơi thông mạch máu, cơn nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra và đe dọa tới tính mạng của người bệnh.

Ngoài bệnh mạch vành, các nguyên nhân gây đau thắt ngực ít phổ biến hơn như bệnh vi mạch vành, phì đại cơ tim, thuyên tắc động mạch phổi, hẹp động mạch chủ, viêm màng ngoài tim…

Triệu chứng của cơn đau thắt ngực

Bản thân đau thắt ngực là một triệu chứng. Cơn đau thường kéo dài trong vài phút và được mô tả rất khác nhau. Tuy nhiên, đặc điểm của cơn đau lại thường hằng định đối với một người bệnh cụ thể.

Cảm giác đau ngực có thể mơ hồ hoặc chỉ gây khó chịu nhẹ, hoặc bỏng rát, bóp chặt hay tức nặng ở ngực trái hoặc đau dữ dội.

Theo đó, vị trí đau thường ở giữa ngực (sau xương ức), đau có thể lan xuống cánh tay (đặc biệt là ở tay trái) hoặc có thể là cả hai tay. Có những trường hợp lan lên cổ, hai vai, hàm dưới hoặc lan cả ra sau lưng.

Ở thể điển hình, cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức và thường sẽ giảm hoặc hết khi nghỉ ngơi. Đau ngực cũng có thể khởi phát bởi trạng thái căng thẳng thần kinh hoặc lo âu. Nếu nặng, đau ngực sẽ xuất hiện cả khi nghỉ ngơi hay trong giấc ngủ làm người bệnh phải tỉnh giấc.

Ai dễ bị đau thắt ngực?

Đau thắt ngực sẽ dễ xảy ra hoặc xảy ra thường xuyên hơn ở những đối tượng sau:

-Người bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp làm giảm tính đàn hồi của động mạch, điều này khiến nó ngày càng yếu đi và dễ bị tổn thương. Từ đó tạo điều kiện hình thành các mảng bám hoặc cục máu đông, gây hẹp động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

-Người bị rối loạn mỡ máu: Rối loạn mỡ máu tạo thành mảng bám trong lòng động mạch vành, từ đó gây nên bệnh mạch vành.

-Người cao tuổi: Do sự lão hóa, thoái hóa của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là mạch máu gây ra tình trạng xơ vữa. Ở người lớn tuổi, bệnh mạch vành và thiếu máu cơ tim cục bộ là hai nguyên nhân chính gây đau thắt ngực.

-Người bệnh đái tháo đường: Biến chứng của đái tháo đường là biến chứng mạch máu và biến chứng thần kinh. Tổn thương mạch máu lớn dẫn đến xơ vữa động mạch và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

-Người béo phì, hút thuốc lá, lối sống thiếu lành mạnh: Có nguy cơ cao bị đau thắt ngực, bởi họ thường bị rối loạn chuyển hóa, nên không khó để tạo ra các mảng xơ vữa động mạch vành.

Nếu bạn nằm trong những đối tượng này, bạn nên chủ động tìm hiểu về cơn đau thắt ngực để có thể phòng ngừa sớm.

Có thể bạn quan tâm

Phòng ngừa cơn đau thắt ngực như thế nào?

phong-ngua-dau-that-nguc-1

Từ bỏ thói quen xấu như: ăn nhiều chất béo, hút thuốc lá… giúp phong ngừa đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực thường xảy ra sau bữa ăn thịnh soạn có nhiều mỡ và muối, hay sau các cuộc tranh luận căng thẳng hoặc làm việc ngoài trời lạnh…Nếu cơn đau thắt ngực không được ngăn chặn và mức độ đau còn tăng lên có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, cần phòng ngừa cơn đau thắt ngực.

Càng ăn ít chất béo, muối càng tốt

Hãy ăn ít chất béo, ít muối bởi ăn quá nhiều các chất trên có thể gây ra cơn đau do làm tăng huyết áp. Trong ăn uống, lưu ý: không ăn quá 170g thịt, thịt gà, vịt hay hải sản mỗi ngày; chỉ nên ăn thịt nạc; không ăn da gà vịt; không ăn gan tim thận vì chứa nhiều cholesterol; dùng dầu thực vật với lượng vừa phải; chỉ nên dùng sữa và các sản phẩm sữa đã tách bơ và nên tăng lượng trái cây và ngũ cốc hàng ngày. Bên cạnh đó, cần có chế độ sinh hoạt khoa học, sống vui tươi, tránh suy tư, căng thẳng quá mức.

Bỏ hút thuốc lá

Cần bỏ hút thuốc lá bởi:

-Hút thuốc lá làm tăng carbon monoxide sẽ gây chiếm chỗ của oxy, làm tăng nguy cơ đau thắt ngực.

-Hút thuốc là làm các tiểu cầu dính vào nhau, từ đó làm tăng tắc nghẽn mạch máu.

-Hút thuốc lá làm giảm tác dụng của thuốc trị bệnh

-Hút thuốc lá làm tăng tỷ lệ tử vong gấp đôi so với bệnh nhân cùng mắc chứng đau thắt ngực mà bỏ hút thuốc.

Tập luyện thể dục, thể thao

Các nhà khoa học thấy rằng, tập luyện thể dục, thể thao rất quan trọng đối với người bị đau thắt ngực. Tập luyện là một cách giải trừ sự căng thẳng, giảm nhịp tim, giảm cân, hạ huyết áp, tăng tuần hoàn bàng hệ ngay trong tim. Tập luyện giúp cơ bắp hút được nhiều oxy nên làm giảm lượng công việc của tim đáng lý phải làm để tải số lượng oxy đó đến cơ bắp.

Phải tập luyện đều đặn, lâu dài, nhẹ nhàng vừa với sức mình và phải phối hợp với chế độ ăn thích hợp thì mới mang lại hiệu quả.

Đau thắt ngực có thể là tình trạng nguy hiểm. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên.