Nghiên cứu tác dụng của Thông tâm lạc trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
Lương Công Thức, Trần Đức Hùng
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Quân y 103
Chịu trách nhiệm: Lương Công Thức, lcthuc@gmail.com
Phản biện: PGS. TS. Lê Việt Thắng, PT Chủ nhiệm Bộ môn Tim-Thận-Khớp và Nội tiết, Học viện Quân y
Mục tiêu:Đánh giá tác dụng của thông tâm lạc trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính (BTTMCBMT).
Đối tượng và phương pháp: 105 bệnh nhân BTTMCBMT được chia làm 2 nhóm: nhóm chứng gồm 50 bệnh nhân dùng các thuốc điều trị BTTMCBMT theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam năm 2008, nhóm Thông tâm lạc gồm 55 bệnh nhân dùng các thuốc theo khuyến cáo và thêm Thông tâm lạc với liều 6 viên/ngày trong 6 tuần liên tục. Đánh giá các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng trước và sau đợt điều trị.
Kết quả: Sau 6 tuần điều trị, so với nhóm chứng, nhóm dùng thêm Thông tâm lạc có tần suất cơn đau thắt ngực ít hơn (1,4 ± 2,1 so với 2,8 ± 2,0 cơn/tuần, p<0,05), thời gian cơn đau ngắn hơn (1,5 ± 1,3 so với 3,3 ± 3,3 phút, p<0,05), cường độ đau theo CCS thấp hơn (1,3 ± 0,88 so với 1,91 ± 0,94, p<0,05) và số viên thuốc nitromint phải dùng cũng ít hơn (0,4 ± 0,5 so với 0,9 ± 0,6 viên/ngày, p<0,05). Ở nhóm dùng Thông tâm lạc, so sánh với thời điểm trước điều trị tần suất cơn đau ngực giảm (1,4 ± 2,1 so với 4,4 ± 4,3 cơn/tuần, p<0,05), thời gian cơn đau giảm (1,5 ± 1,3 so với 5,4 ± 5,1 phút, p<0,05) và cường độ đau theo CCS cũng giảm (1,3 ± 0,88 so với 2,3 ± 1,08, p<0,05), số viên nitromint phải dùng cũng ít hơn (0,4 ± 0,5 so với 1,3 ± 0,7 viên/ngày, p<0,05). Các chỉ số xét nghiệm sau điều trị Thông tâm lạc không có sự khác biệt so với trước điều trị.
Kết luận: Điều trị kết hợp Thông tâm lạc giúp giảm tần suất, thời gian, cường độ cơn đau thắt ngực và số lượng thuốc giãn mạch vành ở bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.
1.Đặt vấn đề
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là một bệnh lý phổ biến trong lâm sàng tim mạch. Mặc dù can thiệp động mạch vành và các thuốc điều trị nội khoa đã đem lại ích lợi to lớn cho các bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, một tỷ lệ bệnh nhân vẫn còn triệu chứng đau ngực cũng như bị các biến chứng. Một số thuốc mới nhằm vào các rối loạn sinh lý bệnh của bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính như quá trình viêm, sự mất ổn định của mảng vữa xơ, rối loạn chức năng nội mạc, quá trình kết tập tiểu cầu…đã và đang được nghiên cứu. Thông tâm lạc (Tongxinluo) là một thuốc đông y đã được dùng điều trị các bệnh lý mạch não và mạch vành tại Trung Quốc nhiều năm. Các nghiên cứu lâm sàng tại Trung Quốc cho thấy thông tâm lạc có tác dụng giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng, chức năng co bóp thất trái ở những bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính và sau nhồi máu cơ tim cấp. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy thông tâm lạc có tác dụng ổn định mảng xơ vữa, hạ lipid máu, chống kết tập tiểu cầu, cải thiện sự co thắt mạch máu mạn tính, cải thiện chức năng nội mô, giảm kích thước ổ nhồi máu… Vì vậy Thông tâm lạc giúp điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính và phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Tuy vậy, chưa có nghiên cứu về tác dụng của thông tâm lạc trên bệnh nhân ở Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: Đánh giá tác dụng phối hợp của thông tâm lạc trong điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.
2.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng và vật liệu:
Đối tượng:gồm 105 bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính theo Khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam (2008)[1].Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên làm 2 nhóm:
– Nhóm đối chứng: gồm 50 bệnh nhân dùng các thuốc điều trị BTTMCBMT theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Việt Nam năm 2008. Bao gồm các thuốc nitrate, chống kết tập tiểu cầu, ức chế men chuyển, chẹn thụ thể beta giao cảm, statins.Tất cả các bệnh nhân đều được dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu và nitrate (trong nghiên cứu này chúng tôi chọn nitromint 2,6 mg, uống 2 viên/ngày khi có đau ngực). Các thuốc khác dùng theo chỉ định cụ thể từng bệnh nhân theo khuyến cáo.
– Nhóm dùng thuốc Thông tâm lạc (TLX): 55 bệnh nhân dùng thuốc thông tâm lạc cùng các thuốc theo khuyến cáo như nhóm đối chứng. Liều thuốc thông tâm lạc 6 viên/ngày, chia 2 lần sáng/chiều trong 6 tuần liên tục theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Loại trừ các trường hợp:đang bị chảy máu hoặc dị ứng với thuốc thông tâm lạc.
Vật liệu: thuốc Thông tâm lạc do công ty Shijiazhuang Yiling Pharmaceutical Co., Ltd (Trung Quốc) sản xuất, đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam (giấy phép số VN-9380-09, cấp ngày 4/11/2009, gia hạn ngày 28/6/2016).Viên nang Thông tâm lạc bao gồm nhân sâm, toàn yết, thủy điệt, thổ miết trùng, ngô công, thuyền thoái, xích thược, và băng phiến, .Theo thông tin kê đơn của nhà sản xuất chỉ định của thuốc bao gồm: bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, sau nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên. Cơ chế tác dụng của thuốc bao gồm: ổn định mảng xơ vữa, hạ lipid máu, chống kết tập tiểu cầu, cải thiện sự co thắt mạch máu mạn tính, cải thiện chức năng nội mô, tăng cường sức co bóp cơ tim, tăng cung lượng tim, cải thiện khả năng chịu đựng với tình trạng thiếu oxy cơ tim.
2.2. Phương pháp: nghiên cứu tiến cứu, ngẫu nhiên, có đối chứng.
Các bệnh nhân được khám lâm sàng, xét nghiệm công thức máu, đông máu và sinh hóa máu, điện tim, siêu âm tim tại thời điểm bắt đầu và kết thúc nghiên cứu.So sánh các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng tại các thời điểm trước và sau điều trị ở nhóm dùng thuốc TLX và so sánh giữa hai nhóm với nhau.
Các chỉ tiêu nghiên cứu bao gồm: số cơn đau thắt ngực/tuần, thời gian cơn đau (phút), cường độ cơn theo Hội tim mạch Canada (CCS), số viên thuốc nitromint phải dùng, các tác dụng phụ nếu có, các thông số xét nghiệm máu, các biến đổi trên điện tim, siêu âm tim.
Xử lý số liệu:Số liệu được trình bày dưới dạng giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn (X ± SD) hoặc tỷ lệ phần trăm. So sánh các giá trị trung bình bằng independent t-test.So sánh các biến liên tục trước và sau điều trị được thực hiện với thuật toán paired t-testhoặc Wilcoxon (đối với biến phi tham số).So sánh các biến định tính bằng kiểm định c2.Giá trị p < 0,05 được coi là có ý nghĩa thống kêt
3.Kết quả
Kết quả nghiên cứu trên 105 bệnh nhân được trình bày trong các bảng và biểu đồ sau.
Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu
Đặc điểm | TLX
( n= 55) |
Nhóm chứng
(n = 50) |
p |
Tuổi (năm) | 68,8 ± 11,4 | 70,6 ± 6,8 | >0,05 |
Giới nam | 43 (78,18%) | 37 (74,0%) | >0,05 |
Tần suất đau (cơn/tuần) | 4,4 ± 4,3 | 3,6 ± 2,2 | >0,05 |
Thời gian đau (phút/cơn) | 5,4 ± 5,1 | 5,7 ± 8,6 | >0,05 |
Mức độ đau ngực theo CCS | 2,30 ± 1,08 | 2,36 ± 1,07 | >0,05 |
Số viên nitromint/ngày | 1,3 ± 0,7 | 1,2 ± 0,7 | >0,05 |
Đoạn ST chênh xuống (mm) | 0,89 ± 0,82 | 0,82 ± 0,84 | >0,05 |
Rối loạn vận động vùng | 23 (41,8%) | 21 (42%) | >0,05 |
Dd (mm) | 48,3 ± 7,8 | 48,2 ± 6,9 | >0,05 |
EF (%) | 56,1 ± 14,4 | 57,6 ± 15,0 | >0,05 |
BNP (pg/ml) | 512,5 ± 1065,3 | 527,2 ± 1232,0 | >0,05 |
ƯCMC | 48 (87,3%) | 44 (88%) | >0,05 |
Chẹn thụ thể beta | 20 (36,3%) | 18 (36%) | >0,05 |
Không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tuổi, giới, đặc điểm cơn đau thắt ngực, biến đổi điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm BNP, số viên thuốc nitromint phải sử dụng giữa 2 nhóm tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu.
Bảng 2. Đặc điểm lâm sàng cơn đau thắt ngực của nhóm điều trị Thông tâm lạc trước và sau điều trị
Đặc điểm | Bệnh nhân điều trị TLX (n = 55) | p | |
Trước điều trị | Sau điều trị | ||
Tần suất đau (cơn/tuần) | 4,4 ± 4,3 | 1,4 ± 2,1 | <0,05 |
Thời gian đau (phút/cơn) | 5,4 ± 5,1 | 1,5 ± 1,3 | <0,05 |
Mức độ đau theo CSS | 2,30 ± 1,08 | 1,30 ± 0,88 | <0,05 |
Số viên nitromint/ngày | 1,3 ± 0,7 | 0,4 ± 0,5 | <0,05 |
Ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc, tần suất cơn đau thắt ngực, thời gian cơn đau, mức độ đau theo CSS đều giảm so với trước điều trị có ý nghĩa (p<0,05). Sau điều trị bằng thông tâm lạc, số viên nitromint bệnh nhân phải dùng trong ngày giảm rõ rệt (p<0,05).
Bảng 3. Đặc điểm lâm sàng cơn đau thắt ngực của 2 nhóm có và không điều trị Thông tâm lạc sau điều trị
Đặc điểm | TLX
(n = 55) |
Nhóm chứng
(n = 50) |
p |
Tần suất đau (cơn/tuần) | 1,4 ± 2,1 | 2,8 ± 2,0 | <0,05 |
Thời gian đau (phút/cơn) | 1,5 ± 1,3 | 3,3 ± 3,3 | <0,05 |
Mức độ đau theo CSS | 1,30 ± 0,88 | 1,91 ± 0,94 | <0,05 |
Số viên nitromint/ngày | 0,4 ± 0,5 | 0,9 ± 0,6 | <0,05 |
So sánh giữa 2 nhóm có và không điều trị bằng thông tâm lạc, thấy ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc tần suất cơn đau thắt ngực, thời gian cơn đau, mức độ đau theo CSS đều giảm có ý nghĩa so với nhóm điều trị chuẩn không kết hợp thêm thông tâm lạc (p <0,05). Số viên nitromint bệnh nhân phải dùng trong ngày ở nhóm điều trị thêm thông tâm lạc ít hơn có ý nghĩa so với nhóm điều trị chuẩn (p<0,05).
Bảng 4. Đặc điểm điện tim và siêu âm tim của nhóm nghiên cứu sau 6 tuần điều trị
Đặc điểm | TLX
(n = 55) |
Nhóm chứng
(n = 50) |
p |
Đoạn ST chênh xuống | 0,78 ± 0,81 | 0,78 ± 0,79 | >0,05 |
Rối loạn vận động vùng | 22 (40%) | 20 (40%) | >0,05 |
Dd (mm) | 47,6 ± 8,0 | 49,3 ± 8,9 | >0,05 |
EF (%) | 62,0 ± 13,5 | 56,7 ± 18,0 | >0,05 |
Phân suất tống máu thất trái (EF) có xu hướng được cải thiện ở nhóm thông tâm lạc, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p >0,05).
Bảng 5. Đặc điểm xét nghiệm máu của nhóm nghiên cứusau 6 tuần điều trị
Đặc điểm | TLX
(n = 55) |
Nhóm chứng
(n = 50) |
p |
Ure (mmol/l) | 7,2 ± 2,4 | 9,6 ± 6,2 |
>0,05 |
Creatinin (µmol/l) | 101,5 ± 32,3 | 114,7 ± 109,5 | |
Cholesterol (mmol/l) | 4,2 ± 0,8 | 4,2 ± 1,1 | |
Triglycerid (mmol/l) | 2,1 ± 1,8 | 2,0 ± 1,3 | |
Bilirubin toàn phần (mmol/l) | 8,8 ± 3,1 | 10,9 ± 7,8 | |
GOT (U/l) | 28,0 ± 13,6 | 27,6 ± 15,0 | |
GPT (U/l) | 25,7 ± 12,3 | 28,0 ± 21,0 | |
GGT (U/l) | 46,4 ± 34,1 | 57,7 ± 96,7 | |
CRP | 7,9 ± 14,0 | 14,4 ± 27,2 | |
BNP (pg/ml) | 496,4 ± 1164,1 | 752,1 ± 1265,5 | |
PT (s) | 14,3 ± 1,3 | 14,9 ± 1,8 | |
PT (%) | 100,9 ± 19,0 | 94,6 ± 19,1 | |
aPTT (s) | 29,2 ± 4,1 | 31,1 ± 9,9 | |
Hồng cầu (T/l) | 6,2 ± 1,3 | 6,5 ± 1,7 | |
Bạch cầu (G/l) | 9,1 ± 2,6 | 8,5 ± 2,7 | |
Tiểu cầu (G/l) | 178,52 ± 47,14 | 165,31 ± 52,19 |
Chưa thấy sự khác biệt về các chỉ sốsinh hóa máu, đông máu, CRP, BNP và công thức máu sau điều trị ở cả 2 nhóm.
4.Bàn luận
Đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp và quan trọng nhất của bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính. Trong nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc, tần suất cơn đau thắt ngực, thời gian cơn đau, mức độ đau theo CSS đều giảm so với trước điều trị có ý nghĩa(bảng 2). So sánh giữa 2 nhóm có và không điều trị bằng thông tâm lạc, thấy ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc tần suất cơn đau thắt ngực, thời gian cơn đau, mức độ đau theo CSS đều giảm có ý nghĩa so với nhóm điều trị chuẩn không kết hợp thêm thông tâm lạc (bảng 3).
Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tại Trung Quốc cho thấy thông tâm lạc thể có hiệu quả làm giảm đau thắt ngực, giảm tần số của các cơn đau thắt ngực cấp tính[4].Dữ liệu được tổng hợp từ 10 nghiên cứu cũng cho thấy Thông tâm lạc giúp cải thiện triệu chứng đau thắt ngực ở bệnh nhânbệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính[5].Phù hợp với các kết quả này, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy kết hợp thông tâm lạc với điều trị chuẩn bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính giúp cải thiện triệu chứng đau thắt ngực, giảm tần suất cơn đau, giảm thời gian cơn đau thắt ngực và mức độ đau theo CSS.Cơ chế của các tác dụng này đã được chứng minh bởi các nghiên cứu thực nghiệm. Theo Liu và Shang (1997), các cơ chế bao gồm ổn định mảng vữa xơ, chống viêm, tăng sản xuất NO, tăng lưu lượng máu động mạch vành, giãn mạch vành, cải thiện cung cấp máu cơ tim và tăng sức co bóp cơ tim[4].Một số nghiên cứu lâm sàng tại Trung Quốc cũng cho thấy thông tâm lạc có tác dụng giúp cải thiện chức năng co bóp thất trái ở những bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính và sau nhồi máu cơ tim cấp. Trong nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc, phân suất tống máu thất trái (EF) có xu hướng được cải thiện, tuy nhiên chưa khác biệt có ý nghĩa so với nhóm đối chứng (bảng 4).
Trong nghiên cứu của chúng tôi, ở nhóm điều trị bằng thông tâm lạc, sau điều trị, số viên nitromint bệnh nhân phải dùng trong ngày giảm rõ rệt (bảng 2). Số viên nitromint bệnh nhân phải dùng trong ngày ở nhóm điều trị thêm thông tâm lạc ít hơn có ý nghĩa so với nhóm điều trị chuẩn (bảng 3). Các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên tại Trung Quốc cũng cho thấy kết quả tương tự, thông tâm lạc có hiệu quả làm giảm việc sử dụng nitroglycerine và cải thiện chức năng nội mạc mạch máu của bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định [4]. Nghiên cứu của Zhang (2000) cho thấy thông tâm lạc tăng số lượng bệnh nhân ngừng hoặc giảm một nửa liều nitroglycerin (RR 2.0, 95% CI 1,15-3,49, P = 0,01 và RR 1,22, CI 95% 1,01-1,47, P = 0,04, tương ứng). Nghiên cứu của Cheng và Nong (2002) cũng cho thấy thông tâm lạc làm giảm việc sử dụng nitroglycerin[2].
Một số nghiên cứu cho thấy ở liều cao thông tâm lạc có hiệu quả tương tự liều cao simvastatin trong giảm lipid máu[6]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi chưa thấy sự khác biệt về các chỉ số lipid máu sau điều trị ở cả 2 nhóm. Điều này có thể do trong nghiên cứu của chúng tôi, tất cả bệnh nhân đều được dùng statin, vì thế tác dụng lên cholesterol máu của thông tâm lạc nếu có cũng không vượt trội tác dụng của statin.
Một số tác dụng phụ sau khi sử dụng viên nang Thông tâm lạc cũng được báo cáo, bao gồm các triệu chứng khó chịu nhẹ ở đường tiêu hóa[4], xuất huyết dưới da, chảy máu lợi và tăng thời gian thromboplastin bán phần[3]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chúng tôi không gặp các tác dụng phụ nêu trên. Không có sự khác biệt về các chỉ số đánh giá chức năng gan, công thức máu và chức năng đông máu giữa 2 nhóm sau điều trị (bảng 5). Như vậy thuốc thông tâm lạc khá an toàn trong điều trị.
5.Kết luận
Thông tâm lạc phối hợp với điều trị chuẩn giúp giảm tần suất, thời gian và cường độ cơn đau thắt ngực cũng như giảm số lượng thuốc giãn mạch vành phải dùng ở bệnh nhân bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính.