,

[CẢNH BÁO] Đột quỵ não do tự ý bỏ thuốc chống đông máu

dot-quy-do-tu-y-bo-thuoc-chong-dong-mau-1

Thuốc chống đông máu cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh tự ý tăng giảm liều hoặc bỏ thuốc có thể gây đột quỵ và nhiều biến chứng nguy hiểm…

dot-quy-do-tu-y-bo-thuoc-chong-dong-mau-1

1.Suýt nguy hiểm đến tính mạng do tự ngừng thuốc chống đông máu

Mới đây, ông Nguyễn Văn D (87 tuổi, Phú Thọ) phải nhập viện cấp cứu tại Khoa cấp cứu và Điều trị tích cực, Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, liệt nửa người trái.
Sau khi thăm khám, ông được bác sĩ chẩn đoán bị đột quỵ nhồi máu não cấp do tắc động mạch não. Từ hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy vị trí tắc động mạch não bên phải. Ngay lập tức, bác sĩ đã chỉ định cấp cứu can thiệp tái thông mạch máu não.
Khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, rung nhĩ, tăng huyết áp, đang điều trị thuốc chống đông máu theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, ông đã tự ý dừng thuốc chống đông máu một thời gian. May mắn, sau khi được điều trị, sức khoẻ người bệnh đã ổn định, tình trạng liệt được cải thiện, tay chân vận động gần như bình thường.
Theo BSCKI. Lại Thị Hương, Khoa huyết học –Truyền máu, Bệnh viện Hữu Nghị, việc tự ý bỏ thuốc chống đông máu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ, như tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ; tăng nguy cơ chảy máu và gây rối loạn tim mạch…

2.Tác dụng của thuốc chống đông máu

Theo BS.Hương, thuốc chống đông máu là loại thuốc được sử dụng để ngăn chặn quá trình đông máu trong cơ thể. Chúng có tác dụng làm giảm khả năng hình thành cục máu đông, làm giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và các vấn đề liên quan đến đông máu quá mức như đột quỵ hoặc cục máu trong tim.
Các bệnh như suy tim, đột quỵ và huyết khối mạch máu chủ yếu thường tái phát. Thuốc chống đông máu có thể được sử dụng để giảm nguy cơ tái phát và duy trì sự thông thoáng của mạch máu.
Đối với người bệnh sử dụng các thiết bị như van tim nhân tạo hoặc ống tạo mạch, có nguy cơ cục máu hình thành trên bề mặt của các thiết bị này. Do đó, người bệnh được chỉ định dùng thuốc chống đông máu để duy trì sự thông thoáng của các thiết bị này.
Bên cạnh đó, thuốc chống đông máu có thể được sử dụng như một phần của trị liệu cho các bệnh ung thư. Trong một số trường hợp, ung thư có thể tạo ra các yếu tố gây đông máu quá mức trong cơ thể. Việc sử dụng thuốc chống đông máu có thể giúp kiểm soát tình trạng chảy máu quá mức và nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ. Chính vì thế, việc sử dụng thuốc chống đông máu cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng.
3.Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh nhân không nên tự ý bỏ thuốc chống đông máu. Thuốc phải được sử dụng đúng theo chỉ định, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc sử dụng thuốc chống đông máu, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Ngoài ra, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu, không được tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Một số loại thuốc như acetaminophen, chống nấm, thuốc chống rối loạn nhịp, có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc chống đông.
Khi sử dụng, cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nếu người bệnh bị những vết cắt nhỏ hoặc vết bầm tím, thậm chí có thể bị chảy máu bên trong nếu bị tai nạn ngã hoặc đập đầu. Vì vậy, hãy cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày, khi tham gia các hoạt động va chạm, dễ gây thương tích.
Lưu ý: Người bệnh có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ như nói khó, chóng mặt, đột ngột mất ý thức, vận động, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để được xử trí kịp thời, tránh trường hợp để lại di chứng nặng nề, khó khăn trong điều trị.