[CẢNH BÁO] Ai cũng có nguy cơ đột quỵ não
Đột quỵ không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, mà còn gặp ở người trẻ và những đối tượng có nhiều bệnh nền. Vậy những ai có nguy cơ cao bị đột quỵ và cần phải phòng ngừa như thế nào?
1.Độ tuổi mắc đột quỵ não ngày càng trẻ
Nhiều người có quan điểm đột quỵnão chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Thực tế tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày một gia tăng, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ. Nguyên nhân khiến người trẻ dễ bị đột quỵ xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia, sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, ma túy). Người trẻ cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực về công việc, tài chính, gia đình, dẫn đến stress – căng thẳng kéo dài. Lâu dần sẽ khiến nguy cơ bị đột quỵ ngày một tăng cao.
Ngoài ra, những người mắc bệnh nền về tim mạch như: Cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, rung nhĩ… đều là đối tượng dễ bị đột quỵ não.
– Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ não. Khi huyết áp cao khiến áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim, hỏng thành mạch, tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong mạch máu não.
– Rung nhĩ có thể khiến cục máu đông hình thành trong tim, nếu di chuyển lên não sẽ gây đột quỵ.
– Mỡ máu cao: Tăng tạo các mảng xơ vữa gây bít tắc lòng mạch, khiến dòng máu lên não bị tắc nghẽn gây đột quỵ.
Mặc dù đột quỵ không phải là bệnh di truyền nhưng những người có người thân bị đột quỵ có nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn người bình thường. Bởi trong gia đình thường có các yếu tố liên quan đến thói quen, lối sống hay các bệnh nền: Hút thuốc lá, uống rượu bia, ít vận động, tiểu đường, béo phì…
Nguy cơ đột quỵ cũng liên quan đến yếu tố chủng tộc. Thống kê cho thấy, đột quỵ xuất hiện nhiều ở những người da đen hoặc người thuộc khu vực địa lý Nam Á. Đặc biệt những người da đen hay Nam Á bị tiểu đường, béo phì sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn cả.
Xem thêm: Những di chứng đột quỵ phổ biến
2.Cách phòng ngừa đột quỵ não, giảm nguy cơ mắc bệnh
Nếu bạn nằm trong những đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ não hãy phòng ngừa bệnh càng sớm càng tốt bằng những biện pháp sau:
-Kiểm soát các bệnh nền
Huyết áp, đường huyết, mỡ máu… là những chỉ số cần kiểm soát nếu bạn đang có các bệnh nền trên. Bạn cần kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, ăn giảm muối, bớt đường và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Với những người bị mỡ máu cao, bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh, đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống: Nên ăn nhiều thực phẩm chất xơ, rau củ trái cây tươi và đồ tươi sống, hạn chế muối, chất béo…
Ở người bệnh tiểu đường cần theo dõi đường máu thường xuyên. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện lối sống lành mạnh, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giữ đường huyết trong giới hạn và hạn chế biến chứng của bệnh.
-Vận động, tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn giúp giải tỏa stress, căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, giảm lượng cholesterol xấu, tăng cường tuần hoàn máu từ đó giảm nguy cơ đột quỵ. Tùy vào độ tuổi và thể lực mà bạn có thể lựa chọn các bộ môn thể dục phù hợp với bản thân như: Tập yoga, tập thiền, đi bộ, đạp xe, bơi, dưỡng sinh… Tuy nhiên, bạn nên thực hiện đều đặn 30 phút/ ngày và đầy đủ các ngày trong tuần.
-Bỏ các thói quen xấu
Khả năng bạn bị đột quỵ não sẽ tăng lên khi bạn hút thuốc, uống rượu nhiều. Do đó nếu bạn đang có thói quen hút thuốc hay uống rượu thì hãy từ bỏ ngay hôm nay.
-Kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng
Stress hay căng thẳng là phản ứng có lợi của cơ thể, để bảo vệ với những kích ứng nào đó. Tuy nhiên căng thẳng mãn tính, stress kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bạn cần cân đối và sắp xếp thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá sức gây căng thẳng. Bạn có thể thư giãn bằng cách nghe nhạc, tập thiền, đi du lịch để tái tạo lại năng lượng sống.