Cần chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ
Đột quỵ chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, với bất kỳ ai. Chính vì vậy, cần chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao mắc đột quỵ.
Cần chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ
1.Đột quỵ là gì?
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tàn tật và tử vong trên thế giới. Đột quỵ là một tổn thương đến não xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Khi đó, não bị thiếu oxy và dinh dưỡng sẽ bắt đầu chết trong vòng vài phút. Vì lý do đó, đột quỵ được coi là tình huống cấp cứu y tế và cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những hậu quả thường gặp của đột quỵ bao gồm: liệt nửa người, mất khả năng đi lại, giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, ăn uống nghẹn sặc…nặng hơn là tử vong hoặc sống thực vật.
Đột quỵ được phân thành 2 nhóm chính bao gồm: xuất huyết não (do vỡ mạch máu não) và nhồi máu não (do tắc động mạch não).
2.Những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não
Một số yếu tố nguy cơ của đột quỵ là không thể thay đổi. Bao gồm các yếu tố như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình.
Các bệnh và tình trạng cụ thể cũng có thể làm tăng nguy cơ của đột quỵ. Bao gồm:
-Tiền sử đột quỵ
-Huyết áp cao
-Cholesterol trong máu cao
-Bệnh tim
-Bệnh tiểu đường
-Béo phì
Lối sống làm tăng nguy cơ đột quỵ:
-Thói quen ăn uống không lành mạnh
-Ít vận động
-Hút thuốc lá
3.Phòng ngừa đột quỵ như thế nào?
Đột quỵ không loại trừ một ai nhưng có thể chủ động phòng ngừa bằng cách thường xuyên tầm soát để phát hiện các yếu tố bất thường. Mục tiêu của tầm soát đột quỵ là nhằm kiểm soát và điều trị những bệnh mãn tính vốn có nguy cơ chính gây đột quỵ.
Ngoài ra, thay đổi lối sống để phòng ngừa đột quỵ bằng cách cai thuốc lá, cai rượu; giảm stress; chế độ ăn lành mạnh, giảm đường, giảm mặn; duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tập thể dục thường xuyên…
Khám sức khoẻ định kỳ từ 3-6 tháng giúp tầm soát bệnh. Người bệnh nếu được bác sĩ kê toa thì cần thuân thủ sử dụng thuốc theo đúng toa và chỉ dừng sử dụng khi có ý kiến của bác sĩ.
Người bình thường chưa từng bị đột quỵ, tốt nhất nên đi tầm soát đột quỵ định kỳ mỗi năm một lần, nhất là với những người có tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ kể trên.
Xem thêm: Những hiểu lầm thường thấy về đột quỵ
4.Ai cần tầm soát đột quỵ
Tầm soát đột quỵ định kỳ là rất cần thiết nếu bạn đang gặp phải những vấn đề như:
-Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ
Nếu trong gia đình có người thân từng bị đột quỵ, người bệnh có thể tăng nguy cơ do nếp sống, thói quen cũng như yếu tố di truyền. Bạn hãy chia sẻ với bác sĩ thông tin tiền sử gia đình để có lời khuyên tốt nhất.
-Người bị đái tháo đường
Tiểu đường là bệnh lý mãn tính, không lây và thường diễn biến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, thận, mắt…Người bị tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
-Người bị cao huyết áp
Người cao huyết áp là đối tượng cần tầm soát để phòng ngừa đột quỵ
Cao huyết áp chính là nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, từ đó dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ.
-Cholesterol cao
Cholesterol cao có thể huỷ hoại các lớp áo trong của mạch máu khắp cơ thể, bao gồm tim và não. Cholesterol có xu hướng hình thành và gây xơ cứng mạch máu và làm tăng nguy cơ máu bị vón cục trong mạch máu, từ đó cản trở việc cung cấp máu lên não.
-Người có bệnh lý về tim mạch
Những người có bệnh lý về tim mạch như rung nhĩ, suy tim, nhồi máu cơ tim…thường có nguy cơ cao bị đột quỵ.
-Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi thì hút thuốc lá cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Đồng thời, phơi nhiễm với hút thuốc lá thụ động cũng góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại nhiều di chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tầm soát để phòng ngừa đột quỵ bằng cách kiểm soát tốt bệnh lý nền, lối sống khoa học lành mạnh và đi khám sức khoẻ định kỳ.