Tìm hiểu các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành
Để tiến hành chẩn đoán bệnh mạch vành, bác sĩ thường thăm khám sức khoẻ, dựa trên triệu chứng mà bạn gặp phải, khai thác tiền sử bệnh cũng như yêu cầu tiến hành một số các xét nghiệm cần thiết. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành.
Triệu chứng bệnh mạch vành có thể khác nhau ở mỗi người bệnh. Một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng hay không biết mình mắc bệnh cho đến khi gặp phải biến cố cấp tính như đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc ngừng tim đột ngột. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
1.Những ai nên làm chẩn đoán bệnh mạch vành?
Bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành ngay cả khi không có các triệu chứng bệnh nếu có các yếu tố như:
-Có mức LDL cholesterol cao và mức HDL cholesterol thấp
-Bị cao huyết áp
-Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim
-Bị bệnh tiểu đường
-Thường xuyên hút thuốc lá
– Nam giới >45 tuổi hoặc nữ giới sau tuổi mãn kinh
-Người thừa cân, béo phì
-Người ít hoạt động thể chất
Xem thêm: Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của bệnh mạch vành
2.Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh mạch vành
Trước tiên, bác sĩ sẽ thực hiện việc khiểm tra sức khoẻ, hỏi về các triệu chứng đang mắc phải, xem xét tiền sử, kiểm tra huyết áp và đánh giá nguy cơ các bệnh lý tim mạch trong tương lai.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về thói quen ăn uống, cường độ tập thể dục hàng ngày và hỏi bạn có hút thuốc lá hay không. Tất cả những điều này đều là một phần trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mạch vành để giúp bác sĩ xác định bạn có các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh mạch vành hay không.
-Điện tâm đồ
Điện tâm đồ giúp ghi lại các tín hiệu điện khi tim co bóp. Xét nghiệm này thường có thể giúp phát hiện bạn đã hoặc đang bị nhồi máu cơ tim, đồng thời cũng giúp bác sĩ xác định được tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc các vấn đề về nhịp tim. Đây là xét nghiệm không xâm lấn, đơn giản và ít tốn kém.
-Siêu âm tim
Siêu âm tim là sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ kiểm tra xem cấu trúc tim, tim hoạt động như thế nào và đánh giá chức năng tổng thể của tim.
Trường hợp tim hoạt động kém, các thành tim co bóp yếu hơn bình thường thì chứng tỏ đã xuất hiện tổn thương hoặc bị thiếu oxy. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh mạch vành hoặc các bệnh lý về tim khác, bao gồm cả biến cố cấp tính.
-Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cũng là một trong những chỉ định phổ biến trong chẩn đoán bệnh mạch vành. Xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra nồng độ của các thành phần khác trong máu có gây ảnh hưởng đến mạch vành. Bao gồm: cholesterol, triglyceride làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, protein có thể chỉ ra tình trạng viêm trên thành động mạch hoặc glucose để xác định xem bạn có bị tiểu đường hay không. Nếu các giá trị này vượt trên ngưỡng bình thường thì bạn sẽ có nguy cơ làm tăng khả năng xơ vữa động mạch cũng như các bệnh lý tim mạch nói chung.
-Kiểm tra khả năng gắng sức
Các bài kiểm tra khả năng gắng sức là phương pháp đánh giá khả năng tim hoạt động bị căng thẳng về mặt thể chất như khi vận động mạnh, tập thể dục hoặc nhịp tim cao. Trong quá trình này, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ, chạy trên máy chạy bộ, đạp xe đạp cố định hay việc sử dụng thuốc để tim co bóp mạnh hơn và đạp nhanh hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng tiến hành đo điện tim đồ hoặc siêu âm tim để phát hiện ra các vấn đề tim như cơn đau thắt ngực hoặc tắc nghẽn mạch vành.
-Thông tim và chụp mạch vành
Chụp động mạch vành được coi là tiêu chuản vàng trong việc chẩn đoán bệnh mạch vành. Phương pháp này chỉ được chỉ định nếu xét nghiệm khác cho thấy bạn có khả năng cao mắc bệnh mạch vành. Để chẩn đoán bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào động mạch đùi nằm ở bẹn hay động mạch cổ tay của bạn và lên đến tim; sau đó bơm thuốc cản quang vào động mạch vành. Quá trình này được ọi là thông tim.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ dùng tia X để chụp động mạch vành theo hướng dẫn của ống thông tim. Thủ thuật này xâm lấn tối thiểu nhằm giúp hiển thị rõ ràng mọi mạch máu và các tắc nghẽn trong mạch vành nếu có. Vì thế, chụp động mạch vành qua da được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến mạch vành. Mặt khác, khi đánh giá mức độ hẹp nặng và trong biến cố cấp tính, phương pháp này cho phép can thiệp động mạch vành tại chỗ, bằng cách nong bóng và đặt stent mạch vành.
-Chụp CT tim không xâm lấn
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng việc sử dụng tia X và thuốc cản quang nhằm tạo ra hình ảnh 3D chi tiết của tim đang hoạt động. Nhờ đó, hình ảnh thu nhận được có thể cho thấy sự tắc nghẽn bên trong động mạch vành. Đây cũng chính là dấu hiệu tiên đoán khả năng xảy ra một cơn đau tim trong tương lai.
-Quét canxi mạch vành
Xét nghiệm này sẽ giúp đo lượng canxi trong thành động mạch vành. Sự tích tụ canxi có thể là dấu hiệu của xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành hoặc bệnh vi mạch vành. Quét canxi mạch vành cũng có thể giúp đánh giá nguy cơ bệnh mạch vành đối với những người hút thuốc hoặc không xuất hiện các triệu chứng về tim.
Bệnh mạch vành có thể không được phát hiện sớm nếu không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo từ đầu. Việc chẩn đoán bệnh mạch vành thường đòi hỏi xác xét nghiệm chuyên sâu trong tim mạch để có thể phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, theo dõi phù hợp với từng bệnh nhân.