Cách dự phòng nguy cơ đột quỵ não tái phát
Theo thống kê, trong vòng 5 năm sau cơn đột quỵ lần đầu xảy ra có đến 25% số ca tái phát bệnh trở lại. Do đó, việc phòng ngừa đột quỵ tái phát rất quan trọng, bởi những biến chứng lần tái phát sau có thể còn nghiêm trọng hơn lần đầu, đặc biệt ở người cao huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao…
Cách dự phòng nguy cơ đột quỵ não tái phát
Kiểm soát huyết áp mục tiêu trong giới hạn
Huyết áp mục tiêu cần đạt được dưới 140/90 mmHg. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ tái phát đột quỵ cao (như mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, rung nhĩ, suy tim…) hoặc <65 tuổi thì nên dưới 130/80 mmHg nhưng không thấp hơn 120/70 mmHg.
Để làm được điều này, người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị huyết áp đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý giảm liều, tăng liều, đổi thuốc hay ngừng thuốc đột ngột, vì điều này có thể khiến bản thân rơi vào tình cảnh nguy hiểm.
Ngoài ra, muốn kiểm soát tốt huyết áp thì cần duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh. Việc ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể tích nước nhiều hơn từ đó gây tăng huyết áp, do đó ăn giảm mặn là nguyên tắc đầu tiên nếu bạn muốn ổn định huyết áp của mình.
Nên hạn chế sử dụng các gia vị như hạt nêm, bột canh, mì chính, nước mắm khi chế biến thức ăn. Đối với người khoẻ mạnh chỉ nên dùng dưới 5g muối mỗi ngày.
Cần kiểm soát đường huyết cả lúc đói và sau ăn 2 giờ
Với người bệnh đột quỵ não mà mắc kèm tiểu đường thì việc kiểm soát đường huyết vô cùng quan trọng. Người bệnh nên theo dõi đường huyết thường xuyên sau khi ăn từ 1-2 tiếng. Nếu chỉ số đường huyết cao hơn 10 mmol/l, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn của mình.
Nhiều người chú trọng việc đo đường huyết lúc đói- điều đó không sai nhưng chưa đủ. Ở những người đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết sau ăn rất quan trọng để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn. Vì đường huyết sau ăn tăng cao sẽ làm tiềm ẩn nguy cơ biến chứng tim mạch.
Không dừng thuốc hạ lipid máu khi bác sĩ chưa cho phép
Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin như Simvastatin, Lipitor, Zocor thường được sử dụng không chỉ với vai trò hạ lipid máu mà còn để giúp chống viêm, chống nứt vỡ và nhằm ổn định mảng xơ vữa. Tuy nhiên, có một số người bệnh không hiểu điều này nên khi thấy mỡ máu về bình thường là dừng không uống thuốc. Đây chính là sai lầm thường gặp làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ ở người bệnh.
Xem thêm: Ai cũng có nguy cơ đột quỵ não – chớ nên chủ quan
Dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục thường xuyên
Mỗi ngày bạn nên dành 30 phút để tập thể dục. Điều nãy sẽ không chỉ giúp nâng cao sức khoẻ mà còn giúp kiểm soát cân nặng, tiêu hao năng lượng dư thừa và kiểm soát mỡ máu tốt hơn.
Bạn có thể vận động nhẹ nhàng bằng cách tập thiền, đi bộ, tập thở, tập yoga. Với người bệnh đột quỵ não, sức khoẻ chưa ổn định hẳn nên tránh các hoạt động mạnh như chơi tennis, tập gym, thay vào đó là các bài tập phục hồi chức năng, tăng sức cơ và khả năng vận động.
Sau đột quỵ, người bệnh nên áp dụng chế độ ăn DASH – đây là chế độ ăn giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.
– Ưu tiên sử dụng rau, củ quả và các chế phẩm từ sữa ít béo
– Nên dùng nhiều thịt gia cầm, cá thay vì thịt đỏ
– Hạn chế muối và đồ ngọt, đồ uống có ga
– Giảm hấp thụ chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol (mỡ động vật, nội tạng động vật,…)
Học cách thư giãn để giải tỏa căng thẳng, stress
Nhiều người bệnh sau đột quỵ não lần đầu thường căng thẳng, lo sợ bệnh tái phát. Tuy nhiên chính việc lo lắng như vậy lại là một trong những yếu tố khiến đột quỵ dễ tái phát lần 2, lần 3. Bởi khi căng thẳng, mạch máu sẽ co lại, tăng huyết áp, gây ra một loạt các phản ứng viêm, stress oxy hóa, thúc đẩy hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
Do đó giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan kiên trì điều trị sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não. Ngoài việc tập thiền, hít thở sâu, tập yoga để giải tỏa căng thẳng thì người bệnh nên chia sẻ, tâm sự với người thân, bạn bè, bác sĩ. Hoặc có thể tìm đến niềm vui bằng cách đọc sách, nghe nhạc, xem phim, nuôi thú cưng, làm những điều mình thích.