Gặp cơn đau thắt ngực – khi nào là biểu hiện nhồi máu cơ tim?
Những cơn đau thắt ngực có thể xảy ra bất chợt khi gắng sức, khi leo cầu thang, lên dốc, đi bộ nhanh và có cả những khi đang nghỉ ngơi. Khi nào là tình trạng khẩn cấp, khi nào đau thắt ngực sẽ là nhồi máu cơ tim
Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:”Cơn đau thắt ngực có một số đặc điểm mà bác sĩ chuyên khoa hoặc ngay cả sinh viên có thể nhận biết được, ví dụ có cảm giác nghẹn hay tức sau xương ức, người bệnh sẽ mô tả cảm thấy nghẹn ở ngực và thường nó không khu trú một điểm. Đặc biệt một số phụ nữ có thể hơi tức ở bên trái, và cảm giác thường lan lên tay trái. Thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi gắng sức, trong bệnh cảnh gọi là bệnh động mạch vành mạn tính. Lúc chúng ta leo cầu thang, lên dốc, đi bộ nhanh thì có cảm giác nghẹn ở ngực. Còn cơn đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim thì ngược lại, xảy ra trong khi chúng ta nghỉ, thường là buổi sáng hoặc ban đêm.”
Rất nhiều người chủ quan khi bị đau thắt ngực vì cho rằng đây chỉ là biểu hiện bình thường. Thế nhưng thực tế, tức ngực có thể là dấu hiệu báo trước một cơn đau tim sắp xảy ra hoặc sự xuất hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác.
Dấu hiệu cơn đau thắt ngực cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như: Cơn đau ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate. Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg. Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu đầu tiên là ngưng tim đột ngột.
Làm gì khi nhận thấy dấu hiệu đau thắt ngực cảnh báo nhồi máu cơ tim?
Trong quản lý chữa trị bệnh động vành, có những giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát triệu chứng đau thắt ngực, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Cụ thể như dùng thuốc quản lý triệu chứng theo đơn bác sĩ kê, can thiệp mạch vành hay phẫu thuật. Khi có các biểu hiện nhồi máu cơ tim như trên, nhất là ở người có các yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm, người bệnh cần nhanh chóng đến các bệnh viện có khoa/đơn vị can thiệp tim mạch để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim…
Đối với những bệnh nhân đã xác định mắc nhồi máu cơ tim thì cần điều trị chuyên sâu tại các đơn vị cấp cứu chuyên khoa tim mạch. Yếu tố tiên quyết để điều trị các cơn nhồi máu cơ tim là phải chạy đua với thời gian, nhanh chóng giải phóng mạch máu tắc nghẽn càng sớm càng tốt.